Loading...
Các môi trường phát triển phần mềm

Mấy bữa trước ngồi chia sẻ cho một bạn BA mới vào làm mảng blockchain nắm thêm các môi trường phát triển phần mềm, nên sẵn có dịp viết lại để chia sẻ đến mọi người, có vẻ nó sẽ là kiến thức khá cũ với mọi người, nhưng đôi lúc bạn phân vân không biết được testing environment và staging environment khác nhau như thế nào, hay thỉnh thoảng lại bảo dev là “Deploy lên cho mình test với” thì dev hỏi lại “Deploy lên môi trường nào?”, hoặc thậm chí là bạn không biết khi nào gọi tên môi trường cho đúng và phù hợp, hi vọng dưới góc nhìn của một BA sẽ giúp bạn hiểu các môi trường này và áp dụng, triển khai nó một cách an toàn, hiệu quả.

Các môi trường trong phát triển phần mềm

Những môi trường mà mình nhắc đến trong bài viết hôm nay sẽ gồm có: Localhost (Development), Testing, Staging, Production, Sandbox, và một môi trường có thể hơi hơi lạ với một số người là Pilot, Devnet, Testnet.

Trước hết cho cái hình để bạn dễ hình dung hơn

Phân biệt các môi trường phát triển phần mềm
Phân biệt các môi trường phát triển phần mềm

Môi trường Development/Localhost:

  • Môi trường này là môi trường người Dev dựa theo tài liệu của BA và xây dựng tính năng trên máy của tính (local) của họ, người khác không thể truy cập server ngoài họ.
  • Database kết nối: Là database test, hoặc sandbox (tẹo mình sẽ giải thích sandbox là gì)
  • Người thực hiện test:
    • Người thực hiện test trên môi trường này chính là người Dev luôn, hoặc là một người Dev khác họ pull code về và chạy thử, test lại tính năng.
    • Đôi lúc team test nội bộ sẽ pull code của Dev xây dựng xong về test trên máy local của team test nội bộ luôn, nhưng mình nghĩ này có nhưng ít.
  • Vai trò của BA: Thường là hỗ trợ giải thích tính năng, nghiệp vụ, kiểm thử tính năng mới/hoặc bug fixed.

NOTE: BA cũng được xem như một phần của team test nội bộ

Môi trường Testing:

  • Môi trường này thường là môi trường được đội ngũ team test nội bộ chạy kịch bản kiểm thử đã được thiết kế trước, giúp tìm lỗi và sự cố trong phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm trước khi lên những môi trường tiệm cận production, hoặc production.
  • Còn về phần dev thì xem thử mấy tính năng họ code có tích hợp được với code có sẵn hay code của người khác chạy được trơn tru hay không?
  • Database kết nối: Là database test hoặc sandbox
  • Người thực hiện test:
    • Người thực hiện chính là nhóm kiểm thử nội bộ
    • Dev đôi lúc sẽ vào test để kiểm tra lỗi có bị như nhóm kiểm thử nội bộ đã report hay không.
  • Vai trò của BA: Thường là hỗ trợ kiểm thử, review bugs, đứng ra làm việc giữ tester và dev để xác nhận bug là bug thật hay có thể bỏ qua, giải quyết tranh cãi giữa họ, có thể dùng môi trường này để UAT (một số trường hợp).

Môi trường Staging:

  • Cũng là môi trường test nhưng tập trung vào phần tương thích và ổn định của phần mềm trước khi triển khai, môi trường này gần như sát với môi trường production.
  • Database kết nối: Là database test hoặc sandbox, đôi lúc có thể cắm trên database production hoặc là lấy database production clone ra và đổi hay dấu đi những thông tin nhạy cảm như email, số điện thoại, id nhận notification,…
    • Tại vì khúc này môi trường cần gần giống với production để khi go live tránh xảy ra lỗi hoặc sự cố không đáng xảy ra nên cần phải có configuration/phần cứng, service tương tự với production.
    • Có những cái khi mà dev chạy trên local/testing env thì thấy ngon nghẻ, nhưng đẩy lên production cái sinh ra lỗi => Cũng là một lý do để có môi trường staging để tạo cơ hội cho dev tìm lỗi liên quan đến configuration, tính tương thích với phần cứng.
  • Người thực hiện test:
    • Người thực hiện chính là khách hàng hoặc nhóm kiểm thử nội bộ
    • Dev kiểm tra lỗi do KH hoặc tester report.
    • Đôi lúc vẫn có thể cho một số nhóm user đặc biệt test cùng (kiểu như sài thử và đưa ra feedback)
  • Vai trò của BA: UAT, follow nắm thông tin từ khách hàng khi họ test, trao đổi nghiệp vụ nếu cần, review lại bugs, confirm một số bugs có tranh cãi.

Môi trường Production:

  • Là môi trường chạy thật với người dùng và dữ liệu thật
  • Database kết nối: Là database thật.
  • Người thực hiện test:
    • Tester thực hiện test khi release sản phẩm
    • Dev kiểm tra lỗi do người dùng cuối report
    • BA follow hoặc kiểm tra lỗi do người khác report.
    • Người dùng cuối sử dụng
  • Vai trò của BA: Tương tác với người dùng cuối hoặc nhận thông tin từ bên khác liên quan đến lỗi, giải quyết vấn đề phát sinh, hỗ trợ người dùng, hoặc phân tích dữ liệu/ux để tìm ra những giải pháp tốt hơn cho phần mềm.

Môi trường Pilot:

  • Môi trường này mình mới biết từ năm 2019 khi làm các dự án liên quan đến banking.
  • Là môi trường chạy thật với một nhóm người dùng đặc biệt và dữ liệu thật, nhóm này sẽ đưa ra các nhận xét góp ý cho ứng dụng.
  • Thường thì Pilot sẽ nằm sau giai đoạn UAT và trước khi lên production
  • Test trên thời gian thực để tìm ra lỗi.
  • Không phải dự án nào cũng có môi trường này
  • Database kết nối: Là database thật.
  • Người thực hiện test:
    • Nhóm người dùng cuối đặc biệt được lựa chọn sẵn để sử dụng trước sản phẩm.
    • Nhóm kiểm thử team nội bộ và khách hàng.
  • Vai trò của BA: Tương tác với nhóm người dùng đặc biệt để thu thập phản hồi, ý kiến góp ý, từ đó giải quyết các vấn đề phát sinh.
  • Đây cũng là một môi trường xác minh tính sẵn sàng của dự án, nên mọi thứ giống y chang production, chỉ khác là cho một nhóm người sài, những người dùng cuối khác chưa được sài.

Môi trường Sandbox:

  • Sau khi xem xét thì thấy Sandbox không nên xếp vào nhóm của Localhost, testing, staging, pilot, production, mà nó là 1 kiểu thể loại khác.
  • Có thể hiểu nó là môi trường thật dùng thử, thường được sài cho những hệ thống liên quan đến tiền bạc, tài chính, payment
  • Vì là dùng thử nên nó là database thử (test) chứ không phải database thật, hoặc là clone từ thật ra, chỉ cần thay đổi endpoint (api) thì sẽ có thể giúp phần mềm hoạt động trên môi trường real.
  • Nếu không có sandbox thì khi test có thể khó cover nỗi những tính năng liên quan đến tiền thật.
  • Mình thấy nó khi làm blockchain, hoặc banking, billing, AAS, payment gateway.
  • Một số tên khác
    • Testnet/Devnet: Môi trường test/sandbox của một blockchain
    • Goerli, Sepolia: Môi trường testnet/sandbox của Ethereum.

Lưu ý khi làm việc trên các môi trường khác nhau.

  • Không nên để khách hàng vào môi trường testing, sau khi mình làm với rất nhiều khách hàng cho thấy để KH vào môi trường test họ sẽ thấy những cái không hay, hoặc có khi họ không hiểu mình đang làm gì và tưởng là mình đang làm sai yêu cầu, hoặc gây ảnh hưởng đến quá trình test của team nội bộ khi KH vào và thay đổi một số cấu hình.
  • Ở môi trường local host -> Có những trường hợp cần chạy cronjob liên tục hay sửa database sướng hơn trên môi trường testing (dù trên testing env vẫn thực hiện được nhưng đôi lúc gặp khó khăn)
  • Chia thành nhiều môi trường testing hoặc kế hoạch release trên testing env theo từng giai đoạn để tránh bug nó bị lộn xộn, ví dụ như báo bug xong dev fix và đẩy ngay lên testing mà không báo, hoặc 2-3 testers nhảy vào test chung 1 môi trường nhưng lại thay đổi DB có ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho kết quả test bị rối hoặc bị sai.
  • Điều quan trọng là phải có môi trường Testing độc lập để không ảnh hưởng đến các môi trường khác và giúp dev tập trung vào việc tìm lỗi và sửa chúng, chứ đụng lỗi cái báo và fix liền, xong deploy lên test liền thì không hay.
  • Môi trường Staging, Pilot đôi lúc không cần thiết phải có mà có thể gộp lại thành môi trường testing thôi, lý do chính là khá tốn chi phí, tài nguyên khi phải cần gần giống với môi trường production.
  • Khi test ở Pilot hoặc Staging, BA cần kiểm tra lại với các thành viên khác vì có dính tới database thật, có thể sẽ gửi những kết quả test đến cho người dùng thật, do đó nên phân nhóm người dùng được nhận hoặc thay đổi email/phone thật thành những dữ liệu test.
  • Đối với môi trường Pilot, luôn phải có một kế hoạch liên quan đến việc Rollback release để khi có trường hợp xấu sẽ xử lý được.

Kết bài.

Với những chia sẻ của mình hi vọng các bạn hiểu được từng môi trường phát triển phần mềm, cũng như nhiệm vụ và trách nhiệm một BA làm việc trong từng môi trường, sẽ có những thay đổi trong tên gọi của môi trường, hay trách nhiệm của người làm BA trong từng dự án, công ty khác nhau.

Khi mình làm việc với nhiều anh em Business Analyst, mình thấy nhiều bạn dùng các từ Sketch, Wireframe, Mockup và Prototype đôi lúc sai ngữ cảnh, ý nghĩa. Nên mình viết lại bài này, hi vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về các khái niệm, dùng khi nào và cách dùng cho hợp lý nhé.

1. Sketch

  • Là bản phác thảo một cái gì đó trên giấy hoặc trên bản vẽ ở máy tính.
  • Nó cung cấp cho mình những thông tin cơ bản.

Sketch
Sketch

DÙNG KHI NÀO?

  • Thường là giai đoạn đầu của việc phân tích, mình hình thành ra ý tưởng, luồng, màn hình cơ bản.
  • Mình hay vẽ đại ra trên giấy để có cái nhìn vô một cách trực quan để dễ hình dung và phân tích.

CÁCH DÙNG:

Vẽ đơn giản, dễ hình dung,  tiết kiệm thời gian, vẽ miễn sao dễ hiểu và nhanh, dễ truyền đạt ý tưởng chứ không cần vẽ cho đẹp.

Dùng giấy, hoặc phần mềm Excalidraw, Balsamiq, Figma

 

2. Wireframe

  • Là kiểu thiết kế có các thông tin cơ bản, giao diện cơ bản đủ thành phần (ví dụ phải đủ các trường, dữ liệu, nút button…)
  • Và bản thiết kế này thì không cần màu mè gì nhiều, không cần quá đẹp, nhìn vô là hiểu trên màn hình sẽ có nội dung ra sao, nút đặt chỗ nào, …

Wireframe
Wireframe

Đọc thêm  Công cụ vẽ wireframe và diagram tuyệt vời mình tìm được cho Business Analyst.

DÙNG KHI NÀO?

  • Trong khi phân tích chi tiết, viết tài liệu nghiệp vụ, business rule, trước khi làm UI, khi làm các bước về luồng màn hình.
  • Giúp cho thấy được sự luân chuyển giữa các màn hình (điều hướng), cách các màn hình làm việc với nhau.

CÁCH DÙNG:

  • Vẽ đơn giản, đầy đủ thông tin trên màn hình,  dễ hình dung,  tiết kiệm thời gian.
  • Đừng thêm màu mè quá nhiều, chỉ dùng các màu đơn giản để đánh dấu tạo điểm nhấn, nút quan trọng,…
  • Thông tin trên màn hình nên đầy đủ về trường, nút, …
  • Đi kèm với mô tả Business Rule hoặc viết tài liệu hoặc comment/chú thích.
  • Vẽ đường mũi tên để chỉ sự điều hướng giữa các màn hình, hoặc đôi lúc gắn nút điều hướng trên ứng dụng design để có thể thể hiện sự tương tác giữa các màn hình => giúp cho việc trình bày với KH, stakeholders khác dễ hình dung hơn.
  • Mình hay dùng Balsamiq, Figma, Excalidraw, Adobe XD, Giấy, hoặc Ipad (với bút) để tạo wireframe.

3. Mockup (UI)

  • Là kiểu thiết kế trực quan, khá giống với phiên bản thực tế khi xây dựng web/ứng dụng. Có màu đầy đủ, có mấy yếu tố như đổ bóng, viền, animation kèm theo,…
  •  Vẽ kỹ tới mức mà Front-end designer có thể nhấn vào và xem kích thước chính xác, có các thành phần CSS, responsive.
  • Mình làm công ty thì thấy mọi người hay gọi là UI, Bảng design, File design

Mockup
Mockup

Đọc thêm  Figma Professional miễn phí: Công Cụ Đắc Lực Cho Business Analyst

DÙNG KHI NÀO?

  • Thường thì BA chả đụng gì trong phần thiết kế UI mà chỉ làm phần review luồng, nút có đủ chưa, phù hợp với tính năng nghiệp vụ đang làm hay không?
  • Thường được làm sau bước đã xong tài liệu nghiệp vụ/hoặc làm song song dạng cuốn chiếu với tài liệu nghiệp vụ.
  • Được dùng khi thiết kế trực quan, cụ thể để từ đó dựng nên giao diện web/ứng dụng.
  • Khi mà cần đánh giá yếu tố màu, phong cách, thương hiện, phối giữa các đối tượng giao diện, hình ảnh, sự chuyển động.

CÁCH DÙNG:

  • Thường BA ít/không làm phần này, mà là Designer sẽ lo, do đó BA có thể đi sâu vào mục review đánh giá, góp ý cũng như bổ sung thêm các thông tin còn thiếu trên giao diện, hay sự tương tác giữa các màn hình sao cho khớp với yêu cầu nghiệp vụ.
  • Nếu bạn có kỹ năng về phần giao diện này thì bạn có thể góp ý cũng như đưa ý kiến cá nhân nếu thấy sản phẩm mockup chưa được phù hợp.
Đọc thêm  Khoá học nghiệp vụ Blockchain cho Business Analyst

Prototype

  • Là một bản như Mockup mà nó có thể hoạt động được khi mình gắn sự liên kết giữa các màn hình và user có thể thao tác được. Mục tiêu chính là để mô phỏng sự tương tác giữa người dùng và giao diện.

DÙNG KHI NÀO?

  • Phần này thường bên BA dùng để đi trình bày với khách hàng, stakeholders, mô phỏng ứng dụng thực tế 
  • Hoặc có thể xem và đánh giá trước khi code để chắc chắn rằng bản giao diện phù hợp, luồng tính năng hợp lý, hoặc làm cả việc nhờ người dùng đánh giá,…

CÁCH DÙNG:

  • Cũng là phần Design lo là chính, BA thường phụ phần gắn tương tác giữa các màn hình.
  • Lưu ý khi bật prototype thì chọn màn hình cho phù hợp, mà mở ở mức 100% để cảm nhận nó giống thật, không bị phóng to, hay thu nhỏ mà đánh giá sai về giao diện.
  • Với mình thì mình đánh giá cả độ tương phản, rồi test WCAG.
  • Ngoài ra Prototype còn hay được dùng cho các ứng dụng xây tạm thời, mô phỏng giao diện và build ra app/web để đưa ra cho người dùng thấy (có thể viết một vài tính năng cơ bản mà chưa xây dựng đủ, dùng dữ liệu giả,…)

Các khái niệm khác

Lo-fi design

Là một loại hình thiết kế với mức độ chi tiết thấp, thường mang tính chất phác thảo và đơn giản, nhằm tập trung vào việc truyền đạt ý tưởng hoặc cấu trúc tổng thể hơn là chi tiết thẩm mỹ.

Thì cũng khá giống với wireframe hoặc tuỳ mức độ mà nó sẽ giống với sketch

Mà Prototype cũng có thể chạy trên Lo-fi design để xem sự tương tác giữa các màn hình, element dưới dạng wireframe. Và thường được gọi là Lo-fi prototype.

Hi-fi design

Là bản thiết kế chi tiết và trực quan, gần giống với sản phẩm cuối cùng, có đầy đủ màu sắc, bố cục, và các yếu tố giao diện. => Khá giống với mockup, hoặc có thể nói là 1 tên gọi khác của mockup.
Do đó mà Hi-fi prototype: Là một phiên bản hoạt động của HiFi Design, cho phép người dùng tương tác và trải nghiệm trước khi sản phẩm thực sự được phát triển.

Kết bài.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình, nếu có gì sai sót hoặc chưa đúng thì để lại comment cho mình nhé.

Thực tập sinh IT BA cần những kỹ năng gì?

Hi lại là Hoàng đây!

Chắc có lẽ nhiều bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc đang đi làm có ý định thực tập vị trí IT Business Analyst quan tâm rằng

“Cần những kỹ năng gì để có thể được nhận làm vị trí thực tập sinh IT Business Analyst.”

Dưới đây là góc nhìn của mình, một người từng tuyển dụng nhiều vị trí BA chia sẻ về các kỹ năng mình cần tìm ở một bạn ứng viên thực tập sinh IT Business Analyst.


Ba kỹ năng chính mình tìm ở Thực tập sinh.

  • Kỹ năng về logic và hiểu về hệ thống
  • Kỹ năng về giao tiếp
  • Kỹ năng về documentation.

Vậy chi tiết từng kỹ năng mình yêu cầu như thế nào?

Kỹ năng đầu tiên: Logic và hiểu về hệ thống

Theo quan điểm của mình thì người IT BA phải là người có thể suy luận logic và đưa ra những giải pháp hợp lý cho dự án phần mềm, mà để làm được điều này thì bản thân người làm cũng phải hiểu về tư duy hệ thống, đối với level thực tập, fresher thì tư duy hệ thống cơ bản là bắt buộc, ví dụ như tư duy Ba tầng của phần mềm gồm có tầng giao diện (UI), tầng xử lý nghiệp vụ – logic và tầng kết nối lưu trữ dữ liệu. Cách hệ thống hoạt động cho luồng đăng nhập, thì user phải nhập thông tin đăng nhập tại giao diện (UI) và gửi yêu cầu đến xử lý ở tầng nghiệp vụ – logic, và từ tầng này sẽ truy xuất và so sánh kiểm tra với dữ liệu trong hệ thống để biết được thông tin đăng nhập có khớp không?

Ba tầng xử lý trong IT BA
Ba tầng trong ứng dụng phần mềm.

Hay là cách phần mềm hoạt động như thế nào, có thể tư duy ra được các trường hợp có thể xảy ra, giống như chuyện suy luận “nếu hôm nay mình quên học bài” thì sẽ có những trường hợp nào xảy ra như “không thuộc bài”, “bị cô giáo phạt”, “bị lên sổ đầu bài”, “mẹ biết bố mẹ buồn”,… thì khi áp dụng vô phần mềm, ví dụ đăng nhập thì phải tư duy được người dùng có thể dùng phương thức nào để đăng nhập như “email/pass”, “số điện thoại/pass”, …. và trong email/pass lại có những trường hợp nào có thể xảy ra  như “email không hợp lệ”, “email không tồn tại”, “mật khẩu bị sai”, … hoặc đăng nhập xong thì phải có tư duy suy luận là hiển thị màn hình gì? màn hình hiển thị cần những thông tin gì? những thông tin đó ở đâu, các trường hợp có thể xảy ra khi đăng nhập thành công.

Do đó khi phỏng vấn thực tập sinh hay fresher, thường câu hỏi của mình sẽ hỏi đến các câu hỏi thực tiễn để xem các bạn có tư duy logic suy luận như thế nào? và hiểu cách hệ thống chạy ra sao? mình sẽ chưa quan tâm đến trong cuộc phỏng vấn thì ứng viên có trả lời hoàn hảo hay không, mà sẽ quan tâm đến cách ứng viên đi tìm ra câu trả lời sao cho phù hợp và đưa ra “giải pháp” phù hợp theo tư duy logic của ứng viên.

Đọc thêm  Khoá học nghiệp vụ Blockchain cho Business Analyst

Kỹ năng thứ hai: Giao tiếp

Tiếng Anh là một lợi thế cực lớn cho các bạn làm IT BA, với nỗi đau trước đó của mình, khi bắt đầu làm BA thì tiếng Anh của mình ở đâu đó 500-600 TOEIC, mà còn giao tiếp (nghe/nói) cực yếu nữa, khi làm dự án Âu Mỹ hay Sin thì mình bị ngợp, cũng như mình tìm thông tin chưa quá tốt và tốn nhiều thời gian khi phải gần như là sài Translate rất nhiều, gặp khách hàng trực tiếp thì lúc nào cũng cần có một bạn làm công việc như PM đi cùng để giúp mình, rất là bất tiện.

Nên thường mình cũng sẽ khá quan tâm đến kỹ năng tiếng Anh của ứng viên, dĩ nhiên ở mức giao tiếp cơ bản đủ sài. Hoặc giống như lúc mình xuất phát với vị trí BA, thì đọc hiểu cơ bản là mình chấp nhận nhưng luôn dặn ứng viên là cần phát triển thêm về Giao tiếp.

Tiếng Anh thì tuỳ thuộc công ty và dự án, nếu dự án ít dùng hay không dùng thì tiếng Anh không quá bắt buộc, nhưng có tiếng Anh là một lợi thế cho BA. Ngoài liên quan đến làm việc giữa anh em dự án, khách hàng, thì còn ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin hay học hỏi thêm kỹ năng BA từ nơi khác, đặc biệt là các nguồn tài liệu tiếng Anh.

Giao tiếp và trao đổi tốt là một điều rất cần của một BA, khi mà BA là nơi cầu nối giữa Khách hàng và Đội ngũ phát triển dự án, thì việc giao tiếp là bắt buộc. Giao tiếp ở đây là khái niệm khá chung chung, nó bao gồm cả việc nói chuyện với khách hàng, khơi gợi khách hàng để họ chia sẻ ra những cái NEED (dịch tạm là yêu cầu/cần) của họ, trao đổi trong lúc làm việc, kết nối anh em đội ngũ, hay trình bày ý tưởng, chia sẻ quan điểm cá nhân, thuyết phục mọi người.

Communication Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp

Do đó với phần giao tiếp này mình thường hay hỏi về tính cách, rồi công việc, các hoạt động từng tham gia ở sinh viên hay cách ứng viên trả lời phỏng vấn.

 

Kỹ năng thứ ba: Documentation

Kỹ năng này là kỹ năng cuối cùng mà mình thường tìm ở ứng viên, nhưng độ quan trọng nó sẽ không cao bằng 2 yêu cầu phía trên, vì bản chất người làm công việc BA là người có tư duy và đưa ra giải pháp, cách trao đổi nói chuyện với mọi người để giải quyết vấn đề trong phát triển phần mềm, phải có tư duy thì mới có giải pháp được, còn việc viết lại tài liệu là một kỹ năng theo sau bổ trợ cho tư duy và giải pháp để giúp làm rõ giải pháp cũng như truyền tải giải pháp ra một cách dễ dàng hơn.

Nhưng ứng viên cũng cần PHẢI biết để thể hiện rằng ứng viên biết về BA sẽ làm những loại việc gì? có tìm hiểu và tìm cách học các kỹ năng về documentation, wireframing.

Kỹ năng sketch
Kỹ năng sketch

Đa phần bây giờ khi tìm trên google sẽ ra ngay là documentation thì cần học cách viết BRD, URD, SRS, User Story, … rồi vẽ sketch, wireframe,… học về UML, BPMN.

Đọc thêm  Balsamiq Wireframe miễn phí - công cụ cho Business Analyst

 

Đọc thêm  Thực tập IT Business Analyst cần những kỹ năng gì?
Review wireframe/mockup dễ hơn với tool Axure Cloud.”]

 

Nên thường ở đoạn kỹ năng này mình sẽ hỏi các câu hỏi liên quan đến việc các bạn ấy biết là BA cần làm gì ở phần viết tài liệu, tài liệu nào sẽ được dùng trong trường hợp nào, đã học được công cụ gì rồi, diagram A thì khi nào sài, diagram B khi nào sài, …

 

Kết bài

Với kinh nghiệm từng tìm vị trí thực tập, rồi đến giai đoạn mình tìm ứng viên là thực tập sinh, fresher rồi các bạn làm công việc BA ở các level cao hơn, phỏng vấn vài chục bạn BA để tuyển dụng. Khi tuyển dụng thực tập sinh ba kỹ năng quan trọng mà mình cần tìm ở thực tập sinh IT Business Analyst là Tư duy logic, hiểu về hệ thống, kỹ năng về giao tiếp và trình bày trên tài liệu, biết các công cụ cơ bản để trình bày.

Hi vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn trả lời phần nào thắc mắc “Thực tập sinh IT Business Analyst cần những kỹ năng gì?”, giúp các bạn sớm chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng phù hợp để ứng tuyển vị trí BA.